Lượt xem: 3458

MẤY SUY NGHĨ TẢN MẠN VỀ GIÁO DỤC

Mã sản phẩm : 1448309304

0VNĐ
Số lượng:

    MẤY SUY NGHĨ TẢN MẠN VỀ GIÁO DỤC
    PGS TS Tâm lý học
    Mạc Văn Trang
     PHẦN I
     
    Chiều thứ bảy tôi được báo: sáng thứ hai (13/01/2014) Bộ trưởng đến làm việc với Viện, mời lên nghe, trao đổi… Chẳng biết sẽ nói gì, sáng chủ nhật ngồi bần thần rồi viết ra “Mấy suy nghĩ tản mạn về giáo dục”, thành tâm gửi đến Bộ trưởng và các đồng nghiệp để sẻ chia. Lòng thành, chẳng ngại đúng – sai!
     
    1. GD Việt Nam có một lợi thế (may mắn) là dân ta coi trọng sự học. Dù cha mẹ ăn đói, mặc rách, lam lũ kiếm sống vẫn quyết chí cho con đi học; con học giỏi, đỗ đạt, coi như thành công; con học hành không ra gì, dù làm ăn phát đạt cũng xấu hổ với họ hàng, làng xóm… Truyền thống đó giúp cho “xã hội hóa GD” đạt nhiều kết quả, nhưng vì thế, nhà nước đã quá lạm dụng gây nên mất cân đối giữa sự đóng góp của dân với trách nhiệm của nhà nước cho GD; truyền thống đó cũng là một động lực khiến trẻ em Việt ở nước ngoài thường có thành tích học tập tốt, nhất là cộng đồng người Việt tại nước Đức. Truyền thống đó là vốn quý của dân tộc cần được nuôi dưỡng và phát huy phù hợp với thời kỳ mới.
     
    2. Các cuộc cải cách GD nóng vội thường thất bại nhiều hơn thành công! Đó là vì khi cải cách GD người ta thường lắm kỳ vọng, “duy ý chí”, không đảm bảo các điều kiện thực hiện và không tính hết những tác động, những “lực cản” xã hội. Không nhà khoa học nào có điều kiện thuận lợi hơn Hồ Ngọc Đại để thực hiện cuộc “cách mạng GD” bằng thực nghiệm “Xây dựng mô hình nhà trường mới …”, nhưng sau 35 năm “chỉ làm mỗi một việc thực nghiệm GD” mà rút lại, có công nghệ dạy tiếng Việt lớp 1 coi như thành công! Những cuộc “đổi mới trong ổn định”, không ồn ào thì thành công nhiều hơn, như người Pháp đưa giáo dục Tây vào từ từ thay nền Nho học Việt Nam thời Pháp thuộc, đã đạt thành tựu vĩ đại! Đó chính là “Đổi mới căn bản, toàn diện GD”! Nền GD đó đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của nó, tạo ra được một tầng lớp tinh hoa cho xã hội, xây dựng nên một nền văn hóa mới, những dấu mốc lịch sử phát triển của khoa học, văn học, kiến trúc, hội họa, y học, giáo dục … vươn tới tầm văn minh thế giới đầu thế kỷ XX. Tầm nhìn và cách phát triển có lựa chọn, tạo ra “mũi nhọn”, đỉnh cao trong GD của họ, ngày nay vẫn rất đáng suy nghĩ…
     
    3. Hệ thống và cơ chế quản lý áp đặt và đồng loạt trong GD đã làm hỏng các cơ sở GD. Mỗi trường học là một thiết chế giáo dục, nó sống và phát triển trong mối quan hệ với một cộng đồng đặc thù, phục vụ cho nhu cầu của một cộng đồng đặc thù, tạo nên truyền thống riêng, văn hóa riêng, giá trị riêng… Chỉ có hiệu trưởng và đội ngũ giáo viên, giảng viên (GV) của trường ấy qua nhiều thế hệ mới làm nên truyền thống, “thương hiệu” đặc sắc cho trường của họ. Vậy mà ta nhập, tách, xóa trường cũ, lập trương mới … tùy tiện. Sự khác biệt và tạo giá trị tri thức cao làm nên đẳng cấp, danh tiếng của mỗi trường đại học. Trường đại học nhan nhản, trường nào cũng giống nhau thì còn giá trị gì! Hy vọng quyền tự chủ không chỉ với trường đại học mà trường phổ thông cũng dần được tăng lên. Tự chủ mới phát triển tính tích cực, sáng tạo và trách nhiệm…
     
    4. Sự bất bình đẳng trong giáo dục ngày càng trầm trọng. Nhân loại thường hy vọng: trước thánh đường, trước tòa án, trong trường học mọi người đều tìm thấy sự bình đẳng. Hiện nay sự bất bình đẳng GD gây nhiều bức xúc, lâu dài có thể là một trong những mầm mống của bất ổn xã hội. Ngay từ Mầm non, con em người lao động bị “đọa đầy” trong những nhóm trẻ tự phát với biết bao thảm cảnh như mọi người đã thấy; trong khi đó con tầng lớp trung lưu “chiếm giữ” hầu hết các trường mầm non công lập; con em tầng lớp giàu được nuôi dưỡng trong các trường mầm non tư thục chất lượng cao, trường quốc tế… Càng lên cao, sự bất bình đẳng về cơ hội trong GD càng lớn. Con em tầng lớp quan chức, người giàu, dù vừa dốt vừa hư cũng thừa cơ hội đi du học nước ngoài, về nước vẫn dễ chiếm những chỗ làm “bở béo”…Cảm nhận sự bất bình đẳng đó, sinh ra tâm trang bất bình của người dân ngày càng cao. Tạo ra sự bình đẳng về cơ hội GD cho con em mọi tầng lớp xã hội là sứ mệnh đầy khó khăn và thiêng liêng của GD.
    HẾT PHẦN I.
    TKX ST.

Sản phẩm liên quan

Đang cập nhật