Lượt xem: 3989

Lắng nghe “tiếng lòng” con trẻ

Mã sản phẩm : 145

0VNĐ
Số lượng:

    Lắng nghe “tiếng lòng” con trẻ

    Một đứa trẻ trong suốt quá trình lớn lên gặp biết bao “biến cố” cần được sẻ chia, cho nên một trong những nỗi khổ tâm lớn nhất của chúng là không được người lớn lắng nghe.
    Rủi thay, nhiều ông bố bà mẹ Việt lại thích nói hơn nghe.

    Quá nhiều “rào cản”
    Trải qua bao thăng trầm giữa dòng đời, hẳn cha mẹ nào cũng thấm thía điều mà tác giả Minh Niệm chia sẻ trong quyển sách Hiểu về trái tim: “Cuộc sống luôn có nhiều áp lực nên không phải lúc nào ta cũng đủ vững chãi để làm chủ hết bản thân, nhất là khi có những biến động bất ngờ. Trong những lúc tâm tư rối bời hoảng loạn hay chán chường lạc lõng, ta luôn ước ao có một người thân bên cạnh để được chia sẻ. Dù người ấy chẳng giúp ta giải quyết vấn đề, nhưng chỉ cần thái độ lắng nghe hết lòng của họ cũng khiến ta vơi đi rất nhiều phiền muộn rồi”.
    Cha mẹ  đã trưởng thành còn cần được lắng nghe như thế, huống chi là con trẻ non nớt với bao nhiêu là “biến cố” xảy đến trong suốt quá trình lớn lên. Thế nhưng, cuộc sống vội vã, cha mẹ nào cũng tất bật mưu sinh hoặc theo đuổi các mục tiêu cá nhân nên thời gian dành cho con đã ít lại còn thiếu chất lượng. Lắm khi họ ngồi với con cái nhưng đầu óc lo ra hoặc vẫn tranh thủ gọi điện thoại, đọc báo, xem tivi, lướt net…khiến cho con trẻ “mất hứng”, không còn muốn chia sẻ.
    Chưa hết, thạc sĩ Hà Trung Thành còn chỉ ra hình ảnh quen thuộc khác: hễ con vừa chia sẻ chuyện gì thì cha mẹ “xả băng” răn dạy đủ điều, kể lể những “bài học xương máu” mình từng trải nghiệm, hoặc tệ hơn nữa là la mắng trẻ. Hơn thế, vì muốn thể hiện “cái uy” đấng sinh thành đối với con “của mình”, cộng với sự vượt trội về kiến thức và trải nghiệm sống, mà cha mẹ đã tự chui vào “cạm bẫy” không lắng nghe con trẻ.
    Còn theo TS Trần Văn Hùng, thầy giáo lớp học xanh Sơn Nam (tỉnh Hưng Yên), cha mẹ không lắng nghe con là vì luôn có sự khác biệt về mức độ quan tâm và trong suy nghĩ của từng người trước mỗi vấn đề hay sự việc. Có khi với người lớn chỉ là chuyện cỏn con, nhưng với con trẻ lại là “chuyện động trời” cần được chia sẻ. Ngoài ra, “rào cản” còn là chuyện cha mẹ mang nặng định kiến từ những hành vi không hay trước đó của con. Ông Hùng nói thêm: “Con cái chia sẻ đúng lúc cha mẹ đang không vui vì chuyện gì đó thì càng khó mà được lắng nghe”.
    Lắng lòng nghe con nói
    Sean Covey, tác giả của nhiều bộ sách dành cho tuổi thiếu niên, từng gửi gắm các bậc làm cha mẹ thông điệp sau: “Hãy nhớ rằng nhu cầu lớn nhất từ sâu thẳm trái tim mỗi người là được thấu hiểu. Chỉ nghe bằng tai không thì chưa đủ bởi vì trong lời nói chỉ chứa đựng chưa đến 10% thông tin giao tiếp. Hãy lắng nghe không chỉ bằng tai mà còn bằng cả đôi mắt và con tim”.
    Thạc sĩ Trần Minh Trọng chia sẻ: “Nghe bằng tai là nghe rõ lời, nghe bằng mắt là quan sát để hiểu cả những ngôn ngữ không lời của trẻ. Còn nghe thấu cảm là cách cha mẹ đặt mình vào vị trí con trẻ hiểu rõ ý nghĩa, ý tứ trong lời nói và cả tâm trạng, cảm xúc để dễ dàng đồng cảm với con”. Ngoài ra, theo ông Trọng, việc cha mẹ tóm lược ý, biểu hiện xúc cảm, “sống” với các tình tiết và đặt câu hỏi gợi mở phù hợp với ngữ cảnh câu chuyện cũng có thể kích thích con trẻ chia sẻ nhiều hơn.
    Theo ông Trọng, điều cốt lõi là phải biết lắng lòng để nghe con nói. Muốn vậy, cha mẹ nên tạm gác lại mọi mối bận tâm khác trong lúc giao tiếp với con, và đặc biệt là tự kiểm soát hàng loạt “tâm bệnh” mà họ hay mắc phải như tự cao, ích kỉ, cố chấp, định kiến, chủ quan, áp đặt…Ông Trọng nói:  “Không đánh giá hay suy diễn, đồng thời chấp nhận sự khác biệt sẽ giúp cha mẹ lắng nghe thấu cảm”.
    Còn theo TS Trần Văn Hùng, cha mẹ cần sắp xếp công việc và các mục tiêu cá nhân để có thời gian thực sự và chất lượng dành cho con. Ông cho rằng cha mẹ nên nói ít, nghe nhiều và đồng cảm với con. “Cha mẹ thậm chí chẳng cần nói gì, vì sự im lặng để lắng nghe nhiều khi chính là điều con chờ đợi”, ông Hùng gợi ý. Theo ông, điều quan trọng cha mẹ cần làm là thừa nhận và đồng hành cùng cảm xúc của con, chỉ vậy thôi có khi đã giải tỏa xong mối bận tâm của trẻ.  
    “Được cha mẹ đồng cảm, con trẻ sẽ thêm động lực để tự giải quyết vấn đề-ông Hùng chia sẻ kinh nghiệm-Nếu con chưa có giải pháp, cha mẹ chớ làm thay mà hãy động viên, gợi ý phương pháp và hỗ trợ thông tin để con có cơ hội rèn khả năng tự quyết định, vì mục đích xa hơn là dạy con trở thành người tự lập”. Như cách giao tiếp trong mẩu đối thoại sau đây: (con)-Cây bút chì của con mất tiêu rồi!; (mẹ)- Mất à? ; (con)- Hồi sáng còn thấy nằm trên bàn học, giờ không thấy nữa!; (mẹ)-Thế à, mới đó mà mất đúng là bực bội thật!; (con)- Thôi mai mốt sử dụng  xong con cất luôn vào hộp bút cho chắc ăn; (mẹ)-Ừ, làm thế ổn đấy!
    Theo thạc sĩ Hà Trung Thành, trong cuộc sống hàng ngày, con người sử dụng kỹ năng nghe nhiều nhất (khoảng 53%) so với các kỹ năng nói, đọc và viết. Bằng cách lắng nghe thấu cảm, cha mẹ sẽ dễ dàng trở thành người bạn đồng hành cùng trẻ vượt qua các “biến cố”, nhờ đó cha mẹ cũng ngày càng tăng thêm sức ảnh hưởng của mình đối với con trẻ để có thêm thuận lợi trong việc giáo dục con cái. “Cha mẹ nào biết lắng nghe thấu cảm thì con trẻ cũng học hỏi được một hành trang quan trọng để vào đời”, ông Thành khẳng định.
      
    TKX - ST

     

Sản phẩm liên quan

Đang cập nhật